Cây hồ tiêu thời kỳ kiến thiết cơ bản từ 1 – 2 năm sau trồng thỉnh thoảng xuất hiện các triệu chứng lá bị biến dạng, khảm lá hay cây bị xoăn lùn, bà con thường gọi là “tiêu điên”. Đây là một trong những bệnh hại quan trọng trên cây tiêu, tác nhân do virus gây ra, nên còn gọi là bệnh virus trên cây tiêu. Thiệt hại do virus là làm cho cây tiêu kém phát triển, ít chuỗi, chuỗi ít trái dẫn đến giảm năng suất mặc dù có bón phân đầy đủ. Cây bị bệnh virus thường không chết nhưng sự tích lũy nguồn virus trong cây lưu truyền qua thời gian dài gây hiện tượng xoăn lá, chùn đọt, lùn cây và tiềm ẩn nguồn bệnh tiếp tục lây lan.
1. Triệu chứng:
Do có nhiều loại virus khác nhau có thể gây ra bệnh “tiêu điên” nên triệu chứng thể hiện trên cây cũng rất đa dạng:
Đốm hoa lá | Vàng lá | Lá nhỏ dị dạng | Khảm xoắn lá | Khảm đốm vàng |
- Triệu chứng Đốm hoa lá: Bề mặt lá có các đốm nhỏ màu vàng nhạt tới vàng đậm với nhiều vết hoại tử, lá non khi nhiễm nặng sẽ bị biến màu, mép lá quăn, gợn sóng. Triệu chứng thường thấy ở lá bánh tẻ của nhánh tiêu.
- Triệu chứng Vàng lá gân xanh: ở cả lá non và lá già. Các vết khảm hình tròn màu vàng nhạt nằm nối tiếp nhau dọc theo gân chính của lá. Bệnh nặng, vết bệnh ngả màu vàng lan hết cả phần thịt lá tạo thành vết bệnh trong khi gân chính vẫn còn xanh.
- Triệu chứng Lá nhỏ dị dạng: Hầu hết lá non có kích thước nhỏ, chóp lá cong xuống, bề mặt nhăn nhúm, lồi lõm, có nhiều vết khảm. Ngọn non chùn lại, cây sinh trưởng chậm hoặc lùn vàng cả cây.
- Triệu chứng Vàng lá: Phần vàng lá là phần giới hạn giữa các gân chính của lá, không phân biệt rõ ràng giữa vùng bệnh và không bệnh, lá không biến dạng. Triệu chứng bệnh giống như cây thiếu dinh dưỡng.
- Triệu chứng Đốm vàng nhạt: Thường thấy ở lá già, trên mặt lá có nhiều vết đốm nhỏ màu vàng, vết bệnh không hoại tử, lá không biến dạng, cây phát triển bình thường.
- Triệu chứng Khảm xanh: Gân lá xanh, biến dạng ở mép lá, có nhiều vết xanh đậm lồi lõm trên mặt lá, lá xoắn cuốn vào phía trong. Nhánh phát triển yếu, chùm trái thưa, số trái / chùm ít so với cây tiêu không bị bệnh.
2. Tình trạng bệnh virus trên cây hồ tiêu:
Các nhà nghiên cứu xác định sơ bộ có 9 loại virus gây hại trên cây tiêu tại các vùng tiêu cả nước. Triệu chứng bệnh xuất hiện sớm ở vườn ươm hom là 2 tháng và sau trồng là 3 – 6 tháng. Theo số liệu điều tra cho thấy triệu chứng đốm hoa lá xuất hiện phổ biến nhất. Cây tiêu bệnh vẫn phát triển bình thường và không phải toàn bộ lá, cành đều có triệu chứng bệnh, vì vậy rất khó nhận biết sớm tình trạng bệnh của cây.
3. Điều kiện phát sinh, phát triển và lan truyền virus:
Bệnh thường xuất hiện phổ biến ở những vườn tiêu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản chăm sóc kém, thiếu dinh dưỡng hoặc những vườn sử dụng hom giống ở cây bị nhiễm virus. Trên các đất bị úng ngập hay thiếu thông thoáng, tiêu cũng dễ xuất hiện bệnh. Tiêu trồng trên đất bạc màu thoái hóa hay trong quá trình chăm sóc không được chăm sóc đầy đủ hoặc mất cân bằng dinh dưỡng, bón quá nhiều phân vô cơ cũng dễ bị virus tấn công.
Virus lan truyền qua nhiều phương cách khác nhau: dụng cụ canh tác, qua côn trùng chích hút như rầy mềm, rệp, bọ xít lưới hay nhện đỏ, tuyến trùng Xiphinema và cả rệp sáp (Ferrisia virgate và Planococcus citri) được xem là vector truyền bệnh...
Con đường chính bệnh có thể truyền qua là giống tiêu với nhiều loại virus, vì cây tiêu thông thường được nhân giống vô tính bằng hom giống. Các kết quả thí nghiệm với hom giống có các triệu trứng bệnh khác nhau, cho thấy 50% số hom giống thể hiện triệu chứng sau khi nảy chồi non. Ngay cả hom đươc lấy trên cành không có triệu chứng bệnh vẫn xuất hiện triệu chứng bệnh trên chồi 1 tháng tuổi đối với giống tiêu sẻ và sớm hơn đối với giống tiêu Vĩnh Linh. Triệu chứng trên chồi là đốm vàng nhạt, đốm hoại tử trên lá và lá nhỏ biến dạng trên chồi non. Như vậy có thể kết luận rằng tác nhân gây triệu chứng đốm hoa lá và lá nhỏ lan truyền virus theo hệ thống và truyền nhiễm theo hom giống. Phương thức lan truyền virus qua hom giống làm lây lan nguồn bệnh từ vùng này sang vùng khác không phụ thuộc vào vùng địa lý.
4. Một số biện pháp phòng bệnh:
a. Biện pháp giống và canh tác:
- Chọn giống cây khỏe mạnh, đặc biệt không lấy giống từ các vườn đã có triệu chứng bệnh virus.
- Trong quá trình canh tác, không dùng dao, kéo đã cắt tỉa các cây bị bệnh để cắt sang cây khỏe. Phải xử lý dao, kéo dùng cắt tỉa bằng dung dịch sát trùng (trisodiumphosphate 12,5%).
b. Biện pháp dinh dưỡng:
Một số trường hợp bệnh nhẹ hay có biểu hiện rối loạn dinh dưỡng cần tăng cường các dinh dưỡng trung, vi lượng cho vườn tiêu nhằm tăng khả năng đề kháng, phục hồi sinh trưởng và năng suất vườn cây.
Phun lá:
- Bud Booster (250g/phuy 200 lít) phun 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày.
- Hợp Trí Super Humic (500g) + Hydrophos Zn (500ml) /phuy 200 lít, phun ướt đẫm cây và xung quanh gốc.
- Phun bổ sung Hợp Trí Organo-TE bổ sung các trung vi lượng dạng Chelate dể hấp thu.
Bón gốc:
Trộn bón chung với phân NPK bón gốc: Hợp Trí Super Humic 1 kg + 50kg NPK, bón kết hợp theo các lần bón phân.
c. Biện pháp quản lý tác nhân lan truyền virus:
- Thường xuyên kiểm tra vườn tiêu phát hiện sớm côn trùng và nhện chích hút. Nếu phát hiện thì phun một trong các loại thuốc sau: Brightin 4.0EC (150ml/phuy 200 lít), Permecide 50EC 15 ml/bình 16 lít (200ml/phuy 200 lít), Thiamax 25WG 4g/bình 16 lít (40g/ phuy 200 lít). Hoặc phối hợp 2 trong các loại thuốc trên để tránh côn trùng, nhện kháng thuốc.
- Lưu ý: ngưng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch 45 – 60 ngày để tránh dư lượng thuốc BVTV.
d. Biện pháp vệ sinh vườn:
Thường xuyên cắt tỉa cỏ dại không cho côn trùng có chổ trú đậu, mạnh dạn nhổ bỏ các cây bị triệu chứng chùn ngọn, lá nhỏ xoăn lùn đưa ra ngoài vườn tiêu hủy để tránh lây lan.
Cập nhật tháng 4.2022